Chủ Nhật, 4 tháng 2, 2018

Tư duy phản biện - Kỹ năng cần có của một công dân toàn cầu!

Các bạn thân mến,

Thế giới đang trải qua những ngày tháng chuyển mình trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Lẽ thường tình là sẽ có nhiều người xem đây như là cơ hội để nắm và khai thác, nhưng cũng không ít người thờ ơ để nó tuột mất và giờ đây chỉ biết ân hận vì đã không chịu khó trau dồi học hỏi, quyết đoán trong suy nghĩ và hành động của mình.

Đôi lúc người ta chỉ còn cách đứng nhìn cơ hội lần lượt vụt qua mà không thể làm gì khác cũng bởi vì họ thiếu đi những kĩ năng thiết yếu để tận dụng thời cơ đó, một trong số đó là kĩ năng "Tư duy phản biện".

Vậy...tư duy phản biện nghĩa là gì và tại sao nó lại quan trọng đến vậy?

Ở đây, chúng ta có hai vế cần phải làm rõ, đó là "tư duy" và "phản biện". Như các bạn đã biết, "tư duy" tức là chúng ta sử dụng các khả năng có thể để suy luận logic về một vấn đề nào đó nhằm tìm ra hướng giải quyết tốt nhất dựa trên những giả thiết có được. "Phản biện" có thể hiểu là lật ngược lại bản chất vấn đề mà mình từng cho là đúng để suy xét lại nhằm trả lời cho câu hỏi tại sao. Chắc chắn rằng, vì là tư duy nên mỗi người sẽ có những suy nghĩ khác nhau từ đó dẫn đến hành động cũng không giống nhau. Câu hỏi đặt ra là "Liệu đâu là phương án tốt nhất cho cùng một vấn đề?". "Phản biện" chính là lúc ta đối chiếu lại với hoàn cảnh thực tại, ta sẵn sàng tranh luận để tìm ra phương án tốt nhất, phù hợp nhất cho từng giai đoạn. 

"Mô hình" tư duy phản biện
Sở dĩ "Tư duy phản biện" quan trọng là vì nó giúp ta nhìn nhận vấn đề một cách tổng quát với một cái nhìn đa chiều và rõ ràng. Nếu không nắm được và không vận dụng được một cách linh hoạt thì sẽ là một thiệt thòi lớn cho công dân toàn cầu. 

"Tư duy phản biện" không những giúp ta thoát khỏi lối mòn của "Tư duy truyền thống" mà nó còn là nền tảng, là tiền đề vững chắc để ta nghiên cứu sâu hơn về những khía cạnh khác nhau trong cuộc sống, từ đó hình thành nên thói quen tư duy một cách độc lập, không phụ thuộc vào những định kiến hay quan điểm của các cá thể khác. 

"Tư duy phản biện" cũng là cách để ta nhìn thế giới khác đi, chiêm ngưỡng nó ở một khía cạnh khác, một góc nhìn khác. Chắc hẳn rằng đây sẽ là những trải nghiệm tuyệt vời và vô cùng hữu ích để ta có thêm những kiến thức, những lý luật trước khi phán xét về một hiện tượng, một vấn đề.

Thoạt đầu, "Tư duy phản biện" nhìn có vẻ đơn giản và không khác với các cách tư duy khác là mấy. Tuy nhiên, khi đi sâu vào phân tích vấn đề và tìm hiểu kĩ thì mới thấy nó khá phức tạp và rộng sâu. "Tư duy phản biện" ở đây không nhất thiết bạn phải tương tác với người khác mà đó có thể là chính bản thân bạn - người đã từng nghĩ rằng cách mình là tuyệt đối, là tối ưu nhất ở một thời điểm nào đó! 

Hãy nhìn nhận vấn đề khác đi!
Cuối cùng, để giúp các bạn hiểu rõ hơn cũng như có mong muốn tìm hiểu sâu hơn về kĩ năng mềm vô cùng quan trọng này, mình xin giới thiệu một số cuốn sách hay về "Tư duy phản biện" để mọi người cùng ngâm cứu^^

1. Cẩm nang tư duy phản biện: Khái niệm và công cụ

Nguồn: Tiki
2. Tư duy nhanh và chậm

Nguồn: Baza
3. Lối mòn của tư duy cảm tính

Nguồn: Wordpress 
4. Critical Thinking: Tools for Taking Charge of Your Professional and Personal Life
(Tạm dịch: Tư duy phản biện: Công cụ để đảm đương công việc và cuộc sống)

Nguồn: Amazon
5. Asking the right questions: A guide to critical thinking
(Tạm dịch: Đặt câu hỏi đúng – Dẫn lối tư duy phản biện)

Nguồn: Goodreads
Trên đây là 5 cuốn sách mình nghĩ sẽ rất có ích cho các bạn muốn nghiên cứu về vấn đề này. Hy vọng các bạn sẽ sớm hình thành cho mình thói quen "Tư duy phản biện" trước mọi vấn đề để thành công hơn trong cuộc sống.

Chúc các bạn thành công!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét